Trong xã hội ngày nay, smart phone đã trở thành vật không thể thiếu đối với hầu hết tất cả mọi người, nhất là giới trẻ. Từ nhu cầu cơ bản là nghe gọi cho đến chụp ảnh, quay phim hay internet cũng trở thành nhu cầu thiết yếu như ăn, ngủ. Cùng với đó là thu nhập và chất lượng cuộc sống được nâng cao, du lịch nước ngoài không phải là ước mơ xa tầm tay với nữa, mà là sự lựa chọn thường xuyên, đặc biệt là thiên đường Châu Âu đầy thơ mộng trên phim ảnh.
Không như những chuyến du lịch trong nước hay Đông Nam Á, du lịch Châu ÂU sẽ có những điểm khác biệt mà nếu không tìm hiểu kỹ và chuẩn bị chu đáo sẽ gặp không ít khó khăn và bỡ ngỡ. Thông thường khi đi châu Âu với các chuyến đi dài ngày từ gần 1 tháng đến vài tháng. Vì vậy, để những chuyến du lịch Châu Âu được thuận tiện hơn, việc sử dụng điện thoại di động – smartphone để hỗ trợ chuyến đi là vô cùng cần thiết.
Ngoài ra việc kết nối mạng 3G hay 4G cũng là một vấn đề mà các bạn nên quan tâm, vì đôi lúc bạn sẽ cần phải liên lạc với người thân hoặc bạn bè khi đi xa nhà hoặc post hình lên facebook, instagram, zalo… Hầu như khi đi du lịch thì chỉ có buổi tối bạn mới ở khách sạn, còn ban ngày đều đi chơi ở bên ngoài, mà thường ở châu Âu không có wifi free (trừ khi bạn vào nhà hàng hoặc quán cafe) cho mọi người nên nếu không có sim 3G, 4G bạn sẽ không thể kết nối được Internet.
1. Lưu trữ thông tin cần thiết cho chuyến đi
Với một chiếc smart phone bạn có thể lưu trữ tất cả các thông tin cần thiết vào máy và khi cần đến lấy ra rất nhanh. Ví dụ thông tin đặt vé máy bay, khi đặt xong bạn có thể vào email mà hãng gửi cho bạn, save vào Calendar trong máy và trước giờ bay khoảng 48 tiếng đồng hồ là hãng cho bạn check – in online. Khi đến sân bay bạn chỉ cần đi thẳng đến cửa hải quan, đưa cho họ quét mã vạch, thế là xong.
Với các booking về hostel phòng nghỉ, bạn down các phần mềm của các website đặt phòng về như traveloka Booking.com, Agoda, Hostelworld. Đặt xong bạn sẽ có danh sách các booking đã đặt cho chuyến đi trong tài khoản của mình, đến nơi bạn chỉ cần đưa ra cho nhân viên khách sạn là họ sẽ có thông tin để giúp bạn nhận phòng.
Quan trọng không kém là kế hoạch của chuyến đi bạn có thể lưu vào smartphone dưới dạng file excel hoặc note, thi thoảng lấy ra xem để biết được kế hoạch cho ngày mai, những thủ tục trước khi đi như check-in máy bay, thông tin về những địa điểm ăn chơi nên biết và cách đi lại trong thành phố, tổng hợp chi tiêu định kỳ để tránh vượt ngân sách.
Ở một số địa điểm mới lạ chưa đi bao giờ mà không có thông tin đi lại bạn có thể tra cứu các phương tiện có thể sử dụng và giá ngay tại thời điểm đó.
2. Sử dụng bản đồ offline
Bản đồ là thứ không thể thiếu khi đi ra nước ngoài. Bạn có thể hỏi người đi đường để tăng khả năng tương tác và giao tiếp với người bản địa, nhưng bạn không thể hỏi mãi được và đôi khi không mang bản đồ giấy thì bản đồ có sẵn trong smartphone là thứ vô cùng tiện lợi. Hiện giờ đã có bản đồ offline cho những người không có kết nối Internet trong điện thoại, vì hầu hết các smartphone bây giờ đều có các app này trong cửa hàng.
3. Gọi điện thoại online free
Cước phí cuộc gọi khi ở nước ngoài là rất cao nên việc có một chiếc smartphone cài các phần mềm có thể dùng để gọi điện như Facetime, Skype, Viber hay Facebook sẽ rất hữu ích khi bạn truy cập được wifi free. Các phần mềm này cho phép bạn gọi điện cho tới bất cứ nơi nào trên thế giới.
4. Sử dụng sim 3G, 4G khi ở châu Âu
Rẻ nhất là bạn mua một chiếc Sim 3G trả trước của một nhà mạng ở châu Âu
Trước khi nghĩ đến việc mua sim, bạn cần biết chắc chắn chiếc smartphone của bạn hiện tại có bị khoá mạng ở Việt Nam không. Với những chiếc iphone khoá mạng của các nhà mạng như Viettel, Vinaphone bạn đều có thể dễ dàng yêu cầu họ unlock cho bạn với giá khá rẻ là từ 500.000 – 600.000 vnd. Hoặc nếu lỡ sang rồi bạn mới có nhu cầu thì bạn cũng có thể dễ dàng tìm một cửa hàng và nhờ họ unlock hộ với giá chỉ tầm $20-$30. Sau khi unlock bạn có thể dễ dàng mua một chiếc Sim 3G trả trước ở một nhà mạng nào đó ở châu Âu.
Mỗi quốc gia ở châu Âu đều có rất nhiều các nhà mạng khác nhau với các mức giá, cách thức khác nhau để bạn lựa chọn. Bạn cũng có thể mua sim ở những cửa hàng tạp hoá, siêu thị, hoặc như ở Pháp, bạn phải mua ở cửa hàng điện thoại di động và phải đưa hộ chiếu để mua. Một cách khác mua sim là bạn vào website của nhà mạng đặt mua bằng thẻ tín dụng và họ sẽ gửi về cho bạn theo địa chỉ bạn đăng ký như hostel bạn ở, nhà của một người bạn nào đó sau một vài ngày. Nhưng thường thì khi đi phượt bạn chỉ ở 1-2 ngày ở một thành phố nên cách này cũng không hiệu quả lắm, cứ ra cửa hàng mua trực tiếp cho nhanh.
Thông thường mua giá mua sim cũng không quá cao, tầm giá 10euro/sim thì trong đó sẽ có giá trị tiền sử dụng là 5 euro, cước sử dụng dao động trong khoảng từ $20 đến $50/tháng cho việc nghe gọi nhắn tin và cước 3G. Bạn cũng có thể mua những gói ngắn hơn như trả theo ngày, theo tuần phù cho phù hợp với lịch trình của mình, tuy nhiên cần cẩn trọng khi gói bạn mua hết hạn thì cước phát sinh sẽ rất đắt.
Có một số nhà mạng tung ra loại sim dành riêng cho dân phượt châu Âu ví dụ như nhà mạng LeFrenchMobil của Pháp, gọi nội địa Pháp free, gọi nội địa châu Âu chỉ có 0.15euro/phút.
Hiện tại, EUROCIRCLE là đại lý phân phối sim của LeFrenchMobile tại Việt Nam.
Ngoài ra bạn có thể mua một thẻ sim từ Orange, một trong những nhà mạng lớn nhất của Pháp, khi dùng sim của nhà mạng này nếu cần xem số dư bạn có thể nhấn gọi #123#. Với giá 39 euro/sim card bạn có những dịch vụ sau:
- Thẻ sim và số di động của Pháp
- 120 phút gọi trong khối EU
- 1,000 tin nhắn trong khối EU (gửi và nhận)
- 1GB data 3G khi đi trong nội bộ châu Âu
Lưu ý là loại sim gọi trong châu Âu của hãng Orange này không có bán ở sân bay CDG mà chỉ ở các điểm bán trong Paris. Mặt khác nếu bạn nào mà xác định dùng nhiều, muốn top-up (nạp tiền) thêm thì nên nạp luôn trên đất Pháp, vì sẽ không nạp được tiền cho sim Orange ở các nước khác ngoài biên giới Pháp.
5. Mua sim như thế nào nếu bạn đến Châu Âu qua sân bay Charles de Gaulle ở Paris?
Các gói nhà mạng trên bạn có thể mua ở bất cứ sạp báo nào trên các đường phố Paris, nhưng nếu bạn muốn mua luôn ở sâu bay Charles de Gaulle bạn tìm đến cửa hàng của Relay (Relay store) có bán sim gọi trong nước Pháp, ra ngoài nước Pháp sẽ vẫn phải roaming. Các hãng để bạn chọn là Lebara, Lycamobile hoặc Orange, tôi chưa mua sim ở sân bay CDG bao giờ nên không rõ chính xác cửa hàng của họ ở đâu, bạn phải hỏi nhân viên trong sân bay thôi.
6. Một số tip sử dụng sim tiết kiệm ở châu Âu:
+ Smartphone sẽ tự động dùng data 3G, 4G để tải khi bạn check email, định vị hoặc update phần mềm, vì vậy bạn nên cài đặt chặn sử dụng data để tải những mục này. Khi về khách sạn/hostel bạn có thể dùng wifi để tải cho tiết kiệm nếu việc đó không cấp bách lắm.
+ Một số nhà mạng cho phép bạn “bảo lưu tiền cước” khi bạn rời khỏi nước đó, điều này rất hữu ích khi bạn có kế hoạch đi qua một nước khác và trở lại nước ban đầu bạn mua sim và sử dụng tiếp số tiền cước chưa dùng hết.
+ Ở Châu Âu thông thường nhà mạng chỉ tính cước bạn gọi và nhắn tin đi, còn việc nhận cuộc gọi và tin nhắn là free.
+ Khi mua sim nên mua loại nhiều dung lượng 3G hoặc 4G hơn là loại nghe gọi nhiều vì loại nghe gọi sẽ hết tiền rất là nhanh!
+ Mặc dù đã mua sim 3G nhưng bạn nên cố gắng tận dụng wifi miễn phí bất cứ khi nào có thể vì để lướt web với 3G thì tiết kiệm thế nào cũng vẫn rất tốn kém.
+ Nếu bạn có kế hoạch đi phượt dài ngày (tầm 1-2 tháng), bạn nên chọn những gói cước dài hạn vì giá sẽ rẻ hơn.
Kết luận: Việc có một chiếc smartphone đồng hành cùng bạn trong chuyến du lịch – phượt châu Âu là vô cùng cần thiết vì nó giúp đỡ chúng ta rất nhiều. Còn việc mua thêm Sim 3G, 4G thì bạn có thể cân nhắc khi đi dài ngày và đi với nhóm đông cần liên lạc tránh lạc mất nhau, còn không thì không cần mua Sim làm gì cứ tận dụng wifi free cũng được. Tuy vậy mình vẫn đề xuất là không nên phụ thuộc vào smartphone quá mà hãy cố gắng chỉ dùng nó khi cần thiết, hãy nói chuyện giao tiếp với người bản xứ nhiều hơn. Nên cố gắng giảm thời gian truy cập mạng xã hội thay vào đó tận dụng thời gian tìm hiểu, giao lưu văn hoá và khám phá vùng đất mình đi phượt nhiều hơn nữa.
Nguồn: ST